Đầu tư

Một số lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới như hiện nay, việc làm tốt công tác phòng chống dịch cùng với chính sách mở cửa, ưu đãi và các lợi thế về vị trí địa lý giao thương, lực lượng lao động trẻ…Việt Nam đã thu hút được một số lượng các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Tổng cục thống kê, trong 05 tháng đầu năm 2021, tính đến ngày 20/5/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, giảm 49,4% về số dự án và tăng 18,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 342 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7%; có 1.422 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 1,31 tỷ USD, giảm 56,3%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 430 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 500,8 triệu USD và 992 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 807,2 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý các quy định nào của pháp luật Việt Nam để sử dụng nguồn vốn đầu tư cho phù hợp?

  1. Hiểu như thế nào về nhà đầu tư nước ngoài?

Trước tiên, chúng ta cần phải nắm được cá nhân, tổ chức nào được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có quy định nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

  1. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong các đối tượng áp dụng Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường theo quy định của Luật Đầu tư. Do đó, khi muốn đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định. Cụ thể:

  • Đối với những ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được Chính phủ công bố: Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài giống với các điều kiện của nhà đầu tư trong nước.
  • Đối với các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
    • Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
    • Điều kiện về hình thức đầu tư;
    • Phạm vi hoạt động đầu tư;
    • Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
    • Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các điều kiện này được quy định cụ thể đối với từng ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

  • Ngoài các điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện khác nếu có quy định:
    • Điều kiện về sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
    • Điều kiện sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
    • Điều kiện về sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
    • Điều kiện áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số gành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
    • Điều kiện tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
    • Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Lưu ý: Đối với nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

  1. Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường.

Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường. Danh mục này do Chính phủ công bố dựa trên căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ và điều ước mà Việt Nam là thành viên.

Danh mục này bao gồm: 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện. Danh mục này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc lựa chọn ngành, nghề đầu tư tại Việt Nam.

  1. Nguyên tắc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Việc áp dụng hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư:

  • Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
  • Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường.
  • Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định tại Điều 18 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
  • Điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng như sau:
    • Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;
    • Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ được ban hành có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết thì các điều kiện đó được áp dụng như sau:
    • Nhà đầu tư nước ngoài đã được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định trước ngày văn bản mới ban hành có hiệu lực được tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư theo các điều kiện đó. Trường hợp thành lập tổ chức kinh tế mới, thực hiện dự án đầu tư mới, nhận chuyển nhượng dự án đầu tư, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề mà theo quy định của văn bản mới ban hành phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện đó. Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư đã được chấp thuận trước đó;
    • Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư sau thời điểm văn bản mới được ban hành có hiệu lực phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của văn bản đó.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư thuộc các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường khác nhau phải đáp ứng toàn bộ điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề đó.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó.
  • Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế về đầu tư (gồm cả điều ước được ký mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sau ngày điều ước đó có hiệu lực mà nhà đầu tư đó thuộc đối tượng áp dụng) thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.
  • Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:
    • Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
    • Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
    • Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
    • Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.

Trên đây là một số lưu ý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Mọi thắc mắc về vấn đề pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài, bạn đọc có thể liên hệ tới tổng đài tư vấn miễn phí của Seal Law 1900 6363 89. 

 


TIN ĐƯỢC KHÔNG?
CÓ CẢ MỘT CÔNG TY LUẬT LÀM TRỢ LÝ CHO BẠN!
HÃY LIÊN HỆ NGAY:
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ: 1900636389
Email: contact@seallaw.com.vn

Tags
, ,